Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Học Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Học Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Review Mật Mã Champa


Mật Mã Champa - Giản Tư Hải 


Mat ma champa
Mật mã champa

- Bạn có thể mua sách online tại  Tiki   


Review  #1: Đức Thịnh Trần

Ngủ quên trong kiếp đá Ap-sa-ra...
Bàn tay người nghệ sỹ hóa thân ngà.
Trăm năm làm một thuở...nỗi mơ nương náu ngàn đời...
Nung nấu ngàn đời...mãi không nguôi...

Đã bạn nào đã đọc cuốn sách này của tác giả Giản Tư Hải chưa ạ ? Nếu ai chưa đọc cuốn sách này thì mình xin giới thiệu đến tất cả mọi người 
Chắc hẳn mọi người cũng đã biết về Vương quốc cổ Champa trong lịch sử phải không ạ ?

Cuốn sách này khá độc đáo khi chuyển tải văn hóa Champa thông qua thể loại trinh thám. Tác giả có lối viết rất thư hút người đọc bởi những tình tiết hư cấu nhưng không làm xuyên tạc lịch sử, nhất là gợi được trong lòng người đọc sự tò mò và thích thú về nền văn hóa Champa cổ đại. 

Tóm tắt câu chuyện: khi Trùng tu Thánh địa Mỹ Sơn, một nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện ra nhiều mật mã bằng chữ Phạn và chữ Chăm cổ khắc trên bia đá tiết lộ các lễ hiến tế người cùng nhiều vàng bạc, châu báu tại một thánh địa bí mật.Tiếc thay, trong quá trình khám phá, ông đã bị sát hại vì vì phạm những giáo luật hà khắc. 

Trước khi chết, ông đã kịp để lại mật mã.

Học trò và cũng là đồng nghiệp của ông, kiến trúc sư Kì Phương cùng con gái ông là Thi Nga đã lập tức lao vào cuộc. Họ lần theo manh mối ông để lại rồi rơi vào một vòng xoáy tội ác. Những tình huống nguy hiểm bất ngờ đã đẩy họ vào một cuộc rượt đuổi kịch tính từ Mỹ Sơn sang đến tận đất nước Campuchia. Kì Phương phát hiện ra âm mưu giết nhà khảo cổ người Pháp không chỉ để hiến tế thần linh mà còn nhằm mục đích ngăn chặn ông khai quật kho báu đang bị một hội kín chiếm giữ từ nhiều thế kỉ. Cuối cùng, Kì Phương cũng bị sập bẫy còn Thi Nga bị đưa lên đài tế đúng như nghi thức man rợ thời Trung cổ. Liệu Kì Phương và Thi Nga có an toàn trở về Mỹ Sơn và kho báu của Vương triều Champa có được đưa ra ánh sáng sau hàng trăm năm bị hội kín tà giáo che giấu ?

Mời cắc bạn hãy cùng nhau khám phá...


Đọc Tiếp

Review Sống Lâu Không Bằng Sống Sâu



Sống Lâu Không Bằng Sống Sâu - Night-Fly


Song lau khong bang song sau
Review Sống lâu không bằng sống sâu


- Bạn có thể ma sách online tại  Tiki  và  Fahasa 


Review #1: Neih Nguyễn


Nói thực rằng tớ không nghĩ cuốn này sẽ thú vị như vậy đâu, nhưng quả thực là Sống Lâu Không Bằng Sống Sâu đã vượt kỳ vọng của tớ.

Cuốn sách này là góc nhìn của một cô gái trẻ về nhiều vấn đề hiện tại trong cuộc sống, như chuyện tin lầm người, chuyện thất nghiệp, chuyện mê tín, chuyện yêu đương, chuyện đi bão, vân vân và vân vân. Bằng cách viết thẳng thắn và tươi tỉnh, Night-fly (Nguyễn Minh Lan) đã cho ta thấy một cái nhìn của người trẻ về những câu truyện trên. Nếu mà để trích dẫn ra thì quả thực là rất nhiều đoạn thú vị, nhưng dài quá nên tớ xin miễn.

Tớ xin được chỉ bàn ở đây bốn chủ đề mà tớ coi là thú vị, và dĩ nhiên là còn nhiều mục hay ho ở trong cuốn này nữa nhưng tiết lộ hết thì không hay, mong cậu có thể thử đọc cuốn sách này xem sao.

1. Lời nói – vũ khí của tình yêu:

Chẳng lạ gì những lần cãi nhau òm tỏi, dọa ly hôn, ly thân, chia phần tài sản, phân chia quyền nuôi con, đòi cạch mặt nhau của những đôi vợ chồng mỗi khi họ gặp trục trặc trong chuyện hôn nhân. Mọi sự dường như không thể cứu vãn được khi những lời lẽ miệt thị lẫn nhau cứ tuôn bừa phứa vào mặt đối phương. Người đầu gối tay ấp ngày nào nay bỗng thành kẻ bạc tình, xấu xa, đồ abcxyz!!! (mời bạn tự tưởng tượng). Có lẽ trong giây phút nóng giận, người ta đã chẳng kìm được mình mà thốt ra những lời lẽ miệt thị người khác dù thực tâm họ không muốn. Nhưng đối phương có thể hiểu hoặc không hiểu cái tâm vô tư của người bạn đời, dù vậy thì sự tổn thương khi phải nghe những lời lẽ ấy là không thể tránh khỏi và không thể phủ nhận.

Bạn có dám thừa nhận rằng, bạn có thể kiềm chế cảm xúc hay những cơn nóng giận của mình ở ngoài xã hội hơn là khi ở cùng gia đình? Khi về nhà chúng ta thực sự cảm thấy thoải mái hơn, được là chính mình, nên vì lẽ ấy mà ta dễ dàng bộc phát cảm xúc khi gặp sự không vừa ý. Cả một ngày làm việc mệt mỏi, nhịn sếp, nhịn khách hàng, tan làm thì ngập mình trong khung cảnh tắc đường, lúc về tới nhà thì thấy phòng ốc bừa bãi, canh mặn, con cái không ngoan, vợ hoặc chồng vô ý. Gặp cảnh ấy, ta rất dễ phát cơn giận rồi trút sự giận giữ ấy vào người nhà của mình.

Hoặc thử đổi sang một mặt khác, ta thường dễ nói những lời hay ý đẹp hoặc những câu nói đơn giản mà tác dụng như “cảm ơn, xin lỗi” với những người xa lạ. Và ta lại trở nên keo kiệt khi sử dụng những lời lẽ tốt đẹp này với gia đình hay bạn bè thân thiết. “Món này ngon quá!”, “Cảm ơn vì đã tới đón em”, “Xin lỗi vì dạo này anh bận quá”, “Ôi em xin lỗi anh, em trót giận quá”, đã bao lâu rồi bạn không nói được một lời khen hay lời xin lỗi với người bạn đời của bạn, hay với bố mẹ, anh chị em?
“Thế nhưng tìm được người thật tâm với mình khó lắm, đã có duyên bên nhau tốt nhất nên cố nói lời làm nhau vui, dứt khoát đừng để những phút bốc đồng mà đẩy nhau ra xa.”

Đấy là quan điểm của Night fly, của tớ thì là hãy cố gắng một chút trong việc giữ bình tĩnh, đừng giận dỗi với người nhà và thử nói những lời khen nho nhỏ, những lời xin lỗi khi mình trót làm sai.

2. Đàn ông hay đàn bà, đàn nào “rẻ” hơn?

Cứ lâu lâu lại thấy người ta mở topic “Đi hẹn hò có nên share tiền?”, rồi mọi người cùng vào bàn luận với đủ quan điểm và thái độ. Có người cho rằng đàn ông nên là người trả tiền cho những cuộc hẹn, như vậy mới galant, mới nam tính. Có người cho rằng phụ nữ cũng nên chủ động chia sẻ “tình phí”, như vậy thì tình cảm mới dài lâu và qua hành động chia sẻ hóa đơn, phụ nữ cũng chứng minh được rằng mình không phải là kẻ đào mỏ mà biết suy nghĩ cho người yêu của họ. Đàn ông ngày nay cho rằng đàn bà thật rẻ rúng, chỉ cần đi xe sang, dùng điện thoại xịn, ví nhét đầy tiền lẫn thẻ tín dụng thì cô nào cũng sẽ theo. Đàn bà ngày nay thì đánh giá đàn ông qua số tiền họ kiếm được, có nhà có xe chưa, có chịu chi cho người yêu không chứ lại không cần những kẻ si tình ngồi ôm đàn hát tình ca hay tặng bông hồng kèm bức thư tình lãng mạn. Đây là thế giới mà người ta tặng nhau những bó hoa 999 đóa hồng chứ không phải là một bông hoa giản dị. Là thế giới mà người ta công nhận nhau qua vật chất chứ chẳng phải là tâm hồn nông sâu.

Mới đây tớ có đọc tác phẩm Trà hoa nữ của nhà văn Alexandre Dumas, nhân vật nam chính là Armand cùng tìm tới hai người kỹ nữ xinh đẹp là Marguerite và Olympe, nhưng chỉ một trong hai nàng dành cho chàng trái tim trong trắng thấm đầy tình yêu và sự tủi hổ - đó là nàng Trà hoa nữ Marguerite Gautier. Bởi lẽ khi đến với Marguerite, Armand đã không hề dấu diếm mà phơi bày tấm chân tình, nỗi ghen tuông của chàng dành cho nàng. Còn khi chàng quen Olympe, chàng chẳng cho nàng ta điều gì ngoài tiền bạc và sự vô cảm.

Bởi vậy mới nói, chân tình thì vẫn có, tâm hồn con người ta thì cũng còn ẩn vườn địa đàng, chỉ là bạn có chịu dùng chân tình và bản chất thật con người bạn để đối mặt với người ta hay không? Mọi thứ trên thế giới này đều có giá của nó, trao đổi đồng giá là điều hiển nhiên, chân tình đổi chân tình, yêu thương tìm thương yêu. Nếu bạn chỉ chịu chi tiền bạc hay vật chất thì thứ tình cảm bạn đổi được cũng chỉ là những thứ sáo rỗng, vô tình vậy thôi.

3. Thất nghiệp, người trẻ - đam mê và tiền.

Tuổi trẻ ngoài sự nhiệt huyết, cách suy nghĩ, hành động giàu năng lượng mới mẻ thì cũng đồng nghĩa với việc thiếu kinh nhiệm và thiếu kiên trì. Ta dễ dàng đổi công việc nếu gặp chuyện không ưa ở chỗ làm, nghĩ rằng mình rồi sẽ tìm được một công việc khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn, sếp sẽ bớt đáng ghét hơn, tiềm năng phát triển cao hơn. Đến lúc nhảy việc nhiều thì mới thấy giường như công việc nào, chỗ làm nào cũng có những bất cập riêng, tưởng tượng xa vời, thực tế khắc nghiệt.

Đặc biệt là khi ta đã tốt nghiệp, bắt đầu gửi CV đi khắp nơi mong tìm được một công việc vừa ý. Có một lần khi đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đã hỏi tớ một câu: “Em có muốn dùng hết khả năng mà mình có để làm việc kiếm tiền không?”. Quả thực là tớ khá ấn tượng với câu hỏi này, bởi từ trước tới nay những công việc mà tớ từng làm đều chưa thực sự tận dụng hết khả năng mình có, phần lớn số việc ấy chỉ để phục vụ cho một mục tiêu thực tế: kiếm tiền. Dần dẫn thì sự hứng thú với công việc cứ vơi dần, hoặc do không sắp xếp được lịch làm việc xen với thời gian đi học mà quyết định nghỉ việc.
Vì còn trẻ, nên ngoài cảm giác muốn tìm một công việc an nhàn cho phù hợp với bản chất thì tớ cũng muốn được khám phá hơn nữa, thử sức mình trong lĩnh vực mình có hiểu biết và ưa thích. Nhưng nếu làm lĩnh vực ấy mà không thể kiếm được một số tiền tạm ổn thì quả thực là cũng cần phải suy nghĩ lại. Lớn rồi thì chuyện tiền nong đâu có đơn giản nữa nhỉ? Lo cho bản thân, lo cho gia đình rồi tiết kiệm cho tương lai và còn để hưởng thụ cuộc sống hiện tại.

Nhưng sao đi nữa thì khi trẻ, hay cứ làm việc bạn muốn làm, chơi khi bạn muốn chơi, đam mê những điều bạn ưa thích. Cố gắng phát triển bản thân, dù rằng hơi khó nhưng hãy tin vào chính mình, rồi thì bạn cũng sẽ kiếm được một công việc phù hợp với mình mà. Đừng lo lắng, nghi ngờ bản thân quá nhé.

4. Chút buồn nhẹ sau ngày bão qua:

Đằng sau niềm tự hào về chiến thắng của U23, về các chàng tai của đội tuyển quốc gia thì còn đó sự chán chường của người dân sau những lần “đi bão” mừng chiến thắng, mừng tinh thần dân tộc của các đối tượng mê bóng đá (hoặc không). Chẳng thiếu những chuyện thật như đùa khi tinh thần yêu nước bị dâng cao quá đà, người ta đổ ra đường mặc mưa gió, mặc kim đồng hồ chỉ mấy giờ, mặc anh cảnh sát giao thông, mặc những người đi công chuyện hay tranh thủ nghỉ ngơi để ngày mai tiếp tục làm việc. Họ không đội mũ bảo hiềm, đi xe kẹp ba kẹp tư, rồ ga phóng như điên dại, gây tai nạn rồi cứ thế bỏ đi, hò hét, thậm chí là tranh thủ trộm đồ, sau tất cả đường phố chỉ còn là một bãi tan hoang đầy rác của nhưng kẻ yêu nước. Phải chăng mình cần nhiều hơn là sự tự hào về đội tuyển quốc gia, là sự tự chủ, bởi vậy người ta mới nói vui thôi đừng vui quá...


Đọc Tiếp

Review Tôi Là Bêtô - Nguyễn Nhật Ánh


Tôi Là Bêtô - Nguyễn Nhật Ánh


nguyễn nhật ánh
Tôi là Bêtô - Nguyễn Nhật Ánh

- Bạn có thể mua sách online tại   Fahasa 

Review #1: Hoa Sua 

Thích Nguyễn Nhật Ánh nên mình có khá nhiều sách của bác. Và nếu bạn nào chưa đọc Nguyễn Nhật Ánh thì mình cũng nói luôn, văn bác hay lắm! Nó nhẹ nhàng, mộc mạc nhưng lại chứa đựng những bài học sâu sắc. Nó viết cho trẻ con, thanh, thiếu niên nhưng khi người lớn chúng ta đọc, mắt chúng ta lại ướt, mũi chúng ta lại cay bởi chúng ta có thể tìm thấy trong đó cả bầu trời tuổi thơ của mình...

Tất nhiên, "Tôi là Bêtô" cũng không ngoại lệ. "Tôi là Bêtô" mượn lời kể của một chú chó để kể về cuộc sống đầy màu sắc xung quanh con người. Bêtô cùng bạn bè của nó, như Binô sống cùng nhau và dần làm quen với những chú chó khác trong khu xóm nhỏ. Qua cái nhìn của Bêtô, những kí ức về một thời quậy phá, vấp ngã, học hỏi và trưởng thành của mỗi người được tái hiện. 

Chúng ta vui, chúng ta cười rồi chúng ta giật mình trước những triết lí sống chứa đựng trong cuốn sách: "Đôi khi bạn yêu mến một ai đó chỉ đơn giản vì người đó thật lòng yêu mến bạn. Tâm hồn chúng ta sinh ra là để chờ đáp lại niềm yêu mến đến từ một tâm hồn khác. Nó giống như chiếc ống sáo, sẵn sàng reo lên khi ngọn gió mùa hè thổi qua", "Khóc, đôi khi là một kiểu cười. Và ngược lại.", "Càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn."...

Đọc Tiếp

Review Thám Tử Kỳ Phát - Phạm Cao Củng


Thám Tử Kỳ Phát - Phạm Cao Củng 


phạm cao củng
Thám tử kỳ phát - Phạm Cao Củng


- Bạn có thể mua sách online tại : Fahasa  và  Tiki 

Review #1: Khanh Dang



Một chút nuối tiếc, một chút bâng khuâng khi gấp lại tập cuối cùng của serries Phạm Cao Củng sau gần hai tuần miệt mài gắn bó. Những cuốn truyện với độ hấp dẫn, cuốn hút cứ tăng dần tăng dần, hay đơn giản chỉ là đến lúc trở nên gần gũi, thân thuộc với tính cách, nụ cười và óc suy luận sắc bén của Kỳ Phát. Mỗi cuốn truyện có một cách tiếp cận và xử lý nhưng đều làm nổi bật lên cá tính rất riêng, thuần chất Việt của Kỳ Phát, dù rằng cụ Phạm Cao Củng lấy nhân vật phương Tây làm hình tượng để xây dựng. Cách xử lý của Kỳ Phát luôn có lý và hợp tình, đúng phong cách của một nhà thám tử luôn vì thân chủ của mình. Cũng có đôi lúc, anh lao vào điều tra bất chấp tiền bạc, thời gian thậm chí cả sự an nguy của bản thân chỉ để thỏa mãn khát khao được khám phá những điều bí ẩn chất chứa. Điều đó đã tạo nên một Kỳ Phát thật đẹp, thật ấn tượng. 

Cảm ơn Phúc Minh đã thổi một làn gió tươi mát để hồi sinh Kỳ Phát, để tôi có được những cảm giác thân thương đến thế khi đọc truyện trinh thám. Về biên tập: vẫn còn một vài lỗi morat nhưng ở mức chấp nhận được. Và tôi vẫn tiếp tục đặt niềm tin rằng Phúc Minh có thể làm tốt hơn nữa ở các cuốn sách tiếp theo, 

CÓ NÊN MUA BỘ SÁCH KHÔNG? 
Nếu như bạn mong chờ một bộ trinh thám cực kỳ xuất sắc, hồi hộp, gay cấn như một số truyện trinh thám đình đám phát hành thời gian gần đây thì có thể, bộ sách sẽ không đạt được kỳ vọng của bạn. 

Nhưng chỉ cần bạn yêu thích dòng truyện trinh thám với lỗi suy luận logic, thích những cốt truyện ly kì hoặc bạn thích tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ của Việt Nam những năm trước năm 1945 thông qua truyện trinh thám.hoặc là bạn đã dành tình yêu của mình cho Văn học Việt Nam thì bộ sách Thám Tử Kỳ Phát xứng đáng được bạn dành cho một vị trí trang trọng trong tủ sách. 

Thứ tự đọc sách tham khảo: Vết tay trên trần, Chiếc tất nhuộm bùn, Kỳ Phát giết người, Nhà sư thọt, Đám cưới Kỳ Phát (2 tập phía sau đọc trước hay sau đều được) 

Cuốn Vết tay trên trần là cuốn tôi cảm giác non tay hơn một chút, đọc đầu tiên là hợp lý. Các cuốn sau mỗi cuốn 1 vẻ và tôi đánh giá ngang nhau. 

Trích dẫn yêu thích nhất: "Tiếng gõ mõ đều đều, mở đường cho một người từ nay, nguyện một đời sống để cầu xin Phật tổ tha thứ cho đám chúng sinh đầy lòng tham vọng." - Nhà sư thọt


Review #2: Binh Boog

Có lẽ không cần phải nói nhiều về nội dung cũng như hình tượng, phương pháp phá án của nhân vật Kỳ Phát bởi nó đã được Phúc Minh giới thiệu rất kỹ cũng như các bạn review đã nói tới.

Mình chỉ muốn nói tới một khía cạnh khác ở con người Kỳ Phát đó là sự si tình. Kỳ Phát chung thuỷ và dành rất nhiều tình cảm cho cô Cúc. Mặc dù luôn dùng lý trí để nhìn nhận vấn đề khi phá án nhưng khi vướng vào vụ án của cô Cúc thì vị thám tử của chúng ta có đôi lúc cũng tỏ ra nóng vội. Mặc dù mối tình với cô Cúc không thành nhưng Kỳ Phát vẫn dành trọn tình cảm cho cô Cúc, đã đảm nhận nuôi dạy giúp đỡ con của cô Cúc một cách hết sức chân thành tận tâm.

Một khía cạnh khác của Kỳ Phát là tuổi thơ không trọn vẹn. Mẹ bỏ đi, cha bị bệnh ốm yếu ít quan tâm tới con, Kỳ Phát sống với dì, nhưng người dì này không phải là người dì tốt, để rồi Kỳ Phát sớm đã phải chứng kiến những việc không hay, bị vu oan thành thằng ăn cắp, bị mang tiếng xấu đến hai lần, cả khi đi học cũng không được yên ổn. Nhưng chính cái tuổi thơ bất hạnh đó đã làm tài năng trinh thám của Kỳ Phát sớm được bộc lộ.

Chính những điều đó đã làm nên một nhân vật Kỳ Phát rất đặc biệt.

Đối với mình tập Nhà Sư Thọt để lại dấu ấn hơn cả. Dấu ấn của nó không phải ở vụ án mà ở nhân vật Nhà sư thọt. Nhân vật này một lần nữa cũng là một kẻ tình si. Chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình để cho người mình yêu thương có được một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn.

Có thể các bạn đọc nhiều trinh thám sẽ cảm thấy bộ này rất thường nhưng đối với mình đây vẫn là một bộ vẫn đáng để sở hữu. Dù gì trinh thám Việt cũng từng có một thời kỳ nở rộ, cũng có một nhân vật thám tử để ủng hộ.


Đọc Tiếp

Review Tháng Ba Gãy Súng - Cao Xuân Huy


Tháng Ba Gãy Súng - Cao Xuân Huy 

( Lính thủy quân lục chiến VNCH)


cao xuân huy
Tháng ba gãy súng - Cao Xuân Huy


Review #1: Tú Donald

Tháng Ba Gãy Súng. Hình như tên gọi của truyện kể là điều trước tiên lôi cuốn tôi. Tựa đề của một cuốn sách vốn đơn giản. Tháng Ba Gãy Súng là sự đơn giản quyến rũ. Tháng Ba là tháng thọ nạn của miền Trung, khi cơn lốc đỏ từ miền Bắc lao xuống. Phải một thời gian sau nữa nó mới đổ ập tới Sài Gòn yêu dấu cái Tháng Tư Đen hãi hùng và thống khổ. Cao Xuân Huy đặt câu hỏi: Ai đã bẻ gãy súng của quân đội ta, những người lính dũng cảm, có thừa mưu trí và kinh nghiệm chiến trường? Ai đã làm cho người lính chúng ta bó tay, khi súng còn đó mà đạn đã hết ở trong nòng?

Tác giả cho thấy bên dưới những người và việc là sự mất niềm tin của người lính trận trước một số cấp chỉ huy, những đàn anh "khả kính" đã dứt bỏ hàng ngũ trong cơn quẫn bách để chạy lấy thân, còn thì sống chết mặc bay!

Tháng Ba Gãy Súng vẽ lại cơn hồng thủy của một cuộc chiến không thương tiếc, phủ chụp lên số phận của cả một dân tộc. Trên bờ cát lạnh lẽo của biến cố, người ta nghe thấy tiếng động của những vòng xích sắt nghiến lạo xạo trên sọ người.

Đó là cuốn sách chứa rất ít nụ cười nhưng rất nhiều máu và nước mắt; niềm vui thì khô cằn mà đau thương và bất hạnh thì màu mỡ phì nhiêu; tàn bạo và căm hờn là bình thường nhưng dịu dàng và thuận thảo là điều xa lạ.

Chữ nghĩa trong Tháng Ba Gãy Súng giản dị, tự nhiên và trong sáng. Nhưng người đọc biết rõ một cách mười mươi rằng để có được những dòng chữ tưởng chừng như dễ dàng đó, Cao Xuân Huy đã phải trả một giá khá đắt: sự thách đố của anh với tử thần trong những đường tơ kẽ tóc để đổi lấy phẩm giá làm người. Có thể nói Tháng Ba Gãy Súng đã được viết bằng một trái tim nóng bỏng trước khi được gọt dũa và trau chuốt bằng một bút pháp nghề nghiệp. Nhưng điều này không hề làm hạn chế sức sống của tác phẩm.

Những ai ham đọc sách đều biết rằng các nhà văn lừng danh trên thế giới như Flaubert, Hemingway, Dickens, Lev Tolstoy... đều đã viết bằng một thứ ngôn từ tự nhiên và giản dị. 
Trong một lần gặp gỡ tác giả, tôi hỏi anh tại sao lại xếp Tháng Ba Gãy Súng vào thể loại Hồi Ký mà không là Truyện Kể hay Truyện Ký, Cao Xuân Huy trả lời: "Bởi vì tôi đã không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào. Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mắt thấy tai nghe. Chỉ tiếc một điều là tôi đã không đủ khả năng để viết được tất cả những gì tôi cần phải viết".

Thật vậy, văn chương vốn cần hư cấu, nhưng hiện thực tự nó cũng thừa sự lớn lao và sâu sắc mà một trí tưởng tượng khiêm tốn đôi khi còn nghèo nàn và nông cạn hơn. Nói cách khác, hư cấu trong một tác phẩm tuy cần thiết, nhưng hiện thực bao giờ cũng là nền tảng để từ đó hư cấu có thể thành hình và đứng vững.

Chính cái hiện thực này đã khiến cho ngòi bút của Cao Xuân Huy có được cái vẻ sắc sảo đặc biệt, đồng thời cũng làm cho Tháng Ba Gãy Súng giữ được cái vẻ tươi mát nóng bỏng mà mọi thứ hư cấu rắc rối không sao đạt được.

Và nghệ thuật của Cao Xuân Huy nằm ở chỗ làm cho tác phẩm của anh có được sức thuyết phục mạnh mẽ hơn cái nó vốn có trong thực tế.

Thích nhất là những mẩu đối thoại trong Tháng Ba Gãy Súng. Nó nguyên chất, nhưng không dư thừa và tầm thường. Nó chưa bị chảy qua cái máy lọc "văn chương triết lí" nào. Nó sống và chát. Và rất gần với chúng ta.

Trả lời câu hỏi động cơ nào khiến anh viết Tháng Ba Gãy Súng, Cao Xuân Huy nói: "Không ai là không quay lại nhìn chỗ mình vừa ngã, và cũng không ai là không quay lại nhìn đống phân mình vừa thải. Ngã là lỗi của chính mình và phân có thối cũng là phân của mình. Vậy mà tại sao cả chục năm nay vẫn không thấy ai dám quay lại nhìn cái lỗi đã làm cho mình ngã ngay trên đống phân của mình, ngoài những lời chửi bới và đổ lỗi cho người khác".

Tất nhiên câu nói của anh còn có chỗ phải bàn thảo lại, suy nghĩ thêm, nhưng ở đây trong khung cảnh đặc biệt của Tháng Ba Gãy Súng, câu nói đó có cách lí giải riêng của nó. 
Trước khi cầm bút viết lại những ngày tháng của lịch sử một trận chiến mà mình là một chứng nhân, Cao Xuân Huy đã là một sĩ quan chiến đấu thuộc một binh chủng lừng danh chiến trường mà mọi người chúng ta đều nghe tiếng: Thủy Quân Lục Chiến.

Chiến trường, sống và viết, Cao Xuân Huy có đủ những yếu tố đó để viết những trang văn xuôi nóng bỏng của mình.

Cao Xuân Huy nói: "Đất nước ta đâu phải là một bàn cờ mà hễ đánh thua ván này thì xóa đi xếp quân làm lại bàn khác, mà tướng vẫn là tướng, quân vẫn là quân, đâu phải những con xe, con mã, con chốt đã chết đều có thể dựng đầu dậy để làm lại một trận đấu mới!"

Những suy nghĩ đó của anh không hề có ý định dừng lại ở chỗ chỉ là những điều viết ra để ngẫm nghĩ.

Khi trang cuối của Tháng Ba Gãy Súng được gấp lại, người đọc hình như vẫn cảm thấy còn một điều gì đó chưa xong chưa hết. Cái dấu chấm hết của mệnh đề sau cùng vẫn còn là một lời hứa hẹn sẽ mở ra một trang sách khác.

Dù sao những hình ảnh tàn nhẫn và khủng khiếp, những nỗi lo âu và hãi hùng vẫn còn đọng lại trong ta.

Vẫn còn đọng lại trong ta những địa danh, địa hình, địa điểm quen thuộc của một vùng đất quê hương khô cằn, cả thời tiết của đất trời mà da thịt ta vốn từng chịu đựng, và nhất là vẫn còn đọng lại trong ta hình ảnh những con người - trong đó có chúng ta - với số phận hẩm hiu cô quạnh bị bủa vây trong cơn cuồng nộ của những biến cố bạo tàn...

Tất cả những người và việc ấy chừng như mới xảy ra ngày hôm qua, vẫn còn luẩn quẩn đâu đây...

Với Tháng Ba Gãy Súng, Cao Xuân Huy đã viết được "những trang văn xuôi lương thiện và giản dị về con người", điều mà Ernest Hemingway gọi là "trên đời này thật không có gì khó khăn hơn".

Nguyễn-Xuân Hoàng 
Santa Ana, tháng Tư 1986

THÁNG BA GÃY SÚNG - Tác giả CAO XUÂN HUY(lính thủy quân lục chiến VNCH)
In lần đầu 1986 tái bản tại HOA KỲ 2014 - Tạp chí Văn học xuất bản




Đọc Tiếp